Trầm hương là gỗ có chứa nhiều nhựa của cây trầm, thả xuống nước chìm (trầm), có mùi thơm đặc biệt (hương). Đây là một vị thuốc quý hiếm trong Đông y. Trầm hương còn có một vài tên gọi khác như kỳ nam, trà hương, gió bầu, trầm gió.
Tên khoa học của trầm hương là Aquilaria crasna Pierre. Đây là loại đặc sản quý hiếm của các vùng rừng núi nhiệt đới thuộc Nam Á và Đông Nam Á. Trầm được ngưng đọng trong thân, rễ hoặc cành cây trầm lâu năm (khoảng trên 30 tuổi) theo những hình thể khác nhau.
Cây trầm hương phân bố ở các nước Châu Á, thường mọc ở các khu vực rừng mưa ở Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaisia, Indonesia,bắc Ấn Độ, Philippines, Borneo và New Guinea.
Ở Việt Nam, ngày xưa trầm hương phân bố rộng rãi ở trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, mưa mùa, ẩm nguyên sinh thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, đến Tây Nguyên, An Giang, Kiên Giang và đảo Phú Quốc.
Trầm hương là dược liệu quý: Theo y học cổ truyền, trầm hương tính ôn, vị thơm, cay; vào các kinh thận, tỳ, vị; có tác dụng giáng khí, làm ấm thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần. Nó thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh.
Về mặt khoa học, quá trình tạo trầm là tác phẩm kì diệu của thiên nhiên và tạo hóa, bằng chất nhựa đặc biệt bao bọc vết thương trên thân cây Dó bầu. Trầm sinh ra giữa đất trời và hội tụ dưới một khúc cây. Dù nhìn với góc độ truyền thuyết hay khoa học, người ta tin rằng trầm có linh tính và đặc biệt có những công dụng đáng kể về phong thủy.
Trầm hương có tác dụng xua đuổi tà ma, tạp uế. Điều này được ghi nhận bởi việc trầm được sử dụng rất nhiều trong các nghi lễ tôn giáo. Từ xa xưa, các quan tư tế của Ai Cập đã sử dụng trầm hương như một chất đốt để thông giao với thần linh, họ dùng trầm hương để thỉnh cầu, mời gọi thần linh đến với mình. Ngoài ra, trầm hương còn sử dụng để tẩm ướp xác trong lăng mộ, xua tan uế khí.
Mùi hương trầm có tác dụng an thần, nâng cao khả năng tập trung, minh mẫn, định thần, thường được dùng trong việc thiền định, giúp tâm kiên định, thư thái, từ đó mà xua đuổi những thứ tà tâm, ma quỷ. Trầm hương còn được đốt trong các nghi lễ lớn của Thiên Chúa Giáo mà người ta thường ví là hương thơm của Chúa Trời. Ngày nay, người ta vẫn sử dụng trầm hương trong các nghi thức thường nhật như tân gia, khai trương, cúng bái…
Trầm hương giúp chiêu tài, dẫn lộc và mang may mắn cho gia chủ khi sử dụng. Dùng trầm hương để bày trí hay sử dụng như một chất đốt thường xuyên trong nhà được coi là một thú chơi xa xỉ của đại gia, người kinh doanh. Họ tin rằng, trầm hương khi đặt đúng vị trí có thể giúp vận khí lưu thông, thanh lọc không khí uế tạp, chuyển thành nguồn khí tốt cho môi trường xung quanh.
Trầm hương có thể được dùng như một loại chất đốt. Trầm hương thường được sử dụng để làm nguyên liệu trong các loại nhang như nhang tăm, trầm nụ, trầm viên, trầm thanh… dùng hương để cúng bái, xông hương, tẩy uế.
Người ta có thể dùng trầm hương chế tác ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoặc giữ nguyên hình thái bày trí tại nơi làm việc, nhà ở. Đây là cách giúp tăng độ mỹ quan, sang trọng, bề thế cho gia chủ cũng là cách dùng trầm như một vật phong thủy trong nhà, xua tan tà khí, lưu lại mùi hương trong nhà dài lâu.
Trầm hương còn được chế tác thành trang sức hoặc các vật dụng trong tôn giáo như vòng đeo tay, tràng hạt, điều này càng nâng cao thế mạnh phong thủy khi giữ trầm hương luôn bên cạnh mình, xua đuổi tà ma. Hạt trầm cọ xát vào da càng giúp truyền năng lượng tốt cho cơ thể, tỏa ra hương nồng ấm giúp an thần, dễ đi vào giấc ngủ sâu.